Trong những năm gần đây, thuật ngữ xanh hóa ngành sự kiện đang ngày càng được nhắc đến như một yêu cầu cấp thiết, phản ánh trách nhiệm của ngành đối với môi trường và cộng đồng. Không còn đơn thuần là một trào lưu hay lựa chọn mang tính hình thức, việc tổ chức sự kiện xanh và bền vững đang trở thành tiêu chuẩn mới, góp phần định hình lại cách ngành công nghiệp sự kiện tiếp cận sự phát triển trong kỷ nguyên hiện đại.
Hãy cùng VIETART nhìn lại một cách toàn diện về chủ đề này.
Hiểu đúng về Sự kiện xanh và Sự kiện bền vững
Trước hết, cần phân biệt rõ hai khái niệm đang được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Sự kiện bền vững (Sustainable Event) là loại hình sự kiện được tổ chức sao cho tối ưu các tác động tích cực đến môi trường tự nhiên, thúc đẩy một xã hội khỏe mạnh, đủ đầy và hỗ trợ cho một nền kinh tế thịnh vượng. Tính bền vững không chỉ xét trên khía cạnh môi trường mà còn bao gồm các yếu tố xã hội và kinh tế.
- Sự kiện xanh (Eco Event) là sự kiện được thiết kế, tổ chức và triển khai theo cách hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời để lại di sản tích cực cho cộng đồng địa phương nơi sự kiện diễn ra.

Tóm lại, cả hai loại hình sự kiện đều cùng hướng tới mục tiêu chung là tạo ra các giá trị tích cực cho môi trường và xã hội. Tuy nhiên, sự kiện bền vững bao hàm sự kiện xanh, trong khi sự kiện xanh chưa chắc đã bao quát hết các tiêu chí của tính bền vững.
Khi nhận thức về xanh hóa ngành sự kiện ngày càng được đề cao
Thực tế cho thấy, ngành tổ chức sự kiện đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ đến môi trường sống từ việc tiêu thụ năng lượng, sử dụng vật liệu tiêu hao, cho đến việc phát sinh rác thải sau chương trình. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức sự kiện đang dần trở thành một tiêu chuẩn quan trọng, một trong những xu hướng tất yếu của ngành sự kiện toàn cầu.
Hiện nay, ngày càng có nhiều đơn vị tổ chức và khách hàng quan tâm đến yếu tố bền vững trong sự kiện. Không chỉ là vấn đề về hình ảnh thương hiệu, mà còn là sự thể hiện đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và cam kết phát triển bền vững.

Mỗi sự kiện đều có tác động đến môi trường
Một sự kiện, dù chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ, vẫn có khả năng:
- Tiêu thụ đáng kể năng lượng và tài nguyên
- Sử dụng vật liệu nhựa và các vật dụng khó phân hủy
- Phát sinh khối lượng lớn chất thải sau chương trình
Vì thế, bên cạnh việc lên kế hoạch tổ chức sự kiện thành công về nội dung và trải nghiệm, các đơn vị tổ chức cần đóng vai trò như những “nhà quản lý môi trường”, chủ động lồng ghép các chiến lược bền vững trong từng khâu vận hành.
Mục tiêu không chỉ là mang đến một sự kiện hoàn hảo về chuyên môn, mà còn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa, để lại dấu ấn tích cực và truyền cảm hứng cho người tham dự, góp phần bảo vệ trái đất thân yêu.

Khi xu hướng sự kiện bền vững lan tỏa toàn cầu
Trên thế giới, tổ chức sự kiện bền vững không còn là lý thuyết mà đã có rất nhiều ví dụ cụ thể, cho thấy sự chuyển biến thực tế trong ngành:
- Hàn Quốc đã cấm đồ nhựa dùng một lần trong các sự kiện lớn.
- Olympic Paris 2024 đặt mục tiêu trở thành kỳ Thế vận hội “xanh” nhất lịch sử, với cam kết nói “không” với nhựa dùng một lần và sử dụng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.
- CLB Tottenham Hotspur (Anh) đã đạt được Tiêu chuẩn quản lý sự kiện bền vững toàn cầu (ISO 20121).
- Tour diễn của Billie Eilish cũng được xây dựng với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, từ khâu thiết kế sân khấu đến phương tiện di chuyển.
Đây là minh chứng cho thấy, các nhà tổ chức sự kiện đang có những hành động cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm, góp phần tạo ra lợi ích cho con người và kiến tạo một hành tinh xanh bền vững.

Công nghệ – Trợ lực đắc lực cho sự kiện xanh và bền vững
Việc áp dụng các giải pháp công nghệ trong sự kiện không chỉ mang lại sự thuận tiện, mà còn góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Một số giải pháp tiêu biểu bao gồm:
- Thay thế giấy bằng công nghệ số: Từ việc sử dụng ứng dụng sự kiện di động, đăng ký online, đến thiệp mời điện tử và brochure kỹ thuật số, tất cả đều góp phần cắt giảm lượng giấy in và chất thải.
- Ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR): Không chỉ tạo ra trải nghiệm mới lạ cho khách tham dự, công nghệ này còn giúp giảm bớt nhu cầu di chuyển, hạn chế phát thải khí nhà kính.
- Di chuyển xanh hơn: Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, xe điện hoặc xe đạp; cung cấp dịch vụ đưa đón trung chuyển, thay vì di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Tổng kết
Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức sự kiện xanh và bền vững không đơn thuần là một xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với mọi đơn vị hoạt động trong ngành. Từ việc nâng cao nhận thức, đến ứng dụng công nghệ, thay đổi quy trình vận hành, ngành sự kiện cần chủ động triển khai các giải pháp xanh – bền vững – hiệu quả nhằm hướng tới tương lai phát triển toàn diện và có trách nhiệm.
VIETART tin rằng, cụm từ sự kiện xanh sẽ tiếp tục có những bước phát triển thực tiễn, tạo ra những điểm sáng tích cực cho ngành công nghiệp không khói, và góp phần kiến tạo một môi trường sống xanh – sạch – đẹp cho các thế hệ mai sau.