Tô Ánh Nguyệt – Khán giả thủ đô “nức nở” trong đêm diễn

Tô Ánh Nguyệt – Xót xa và thổn thức cuộc đời người phụ nữ Việt Nam

Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt từng được gánh hát Phụng Hảo dàn dựng vào khoảng năm 1950 và đến năm 1985 liên tục được các đơn vị nghệ thuật 2-84, Sài Gòn 2… dựng lại, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng mộ điệu cải lương bấy giờ. Trong lần trở lại này, Tô Ánh Nguyệt được VIETART dựng lại cùng ê-kíp hoàn toàn mới với các nghệ sĩ: NSUT Kim Tử Long, NSUT Thoại Mỹ, NSUT Lam Tuyền, Trinh Trinh. Hoài Vương, danh hài Dũng nhí, Linh Trung….
Trong suất diễn tối qua, vở cải lương Tô Ánh Nguyệt được tái hiện với màu sắc mới mẻ, gần gũi công chúng miền Bắc, giúp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, hiểu thêm về loại hình sân khấu cải lương quý báu của dân tộc. Khán giả được hòa mình vào câu chuyện, dù đã quen thuộc nhưng vẫn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc dưới tài đạo diễn NSUT Kim Tử Long và diễn xuất của các nghệ sĩ: NSUT Thoại Mỹ, NSUT Lam Tuyền, Trinh Trinh, Thanh Hồng, Hoài Vương…
Đêm diễn vở cải lương Tô Ánh Nguyệt bắt đầu lúc 20h ngày 15/10/2017, thế nhưng nhiều khán giả đã có mặt tại rạp Âu Cơ từ rất sớm với sự háo hức, mong chờ. Trước giờ biểu diễn, khán phòng Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đã được lấp đầy hơn 700 khán giả như một minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của vở Tô Ánh Nguyệt, cho tình yêu bền bỉ của khán giả miền Bắc với nghệ thuật truyền thống cải lương phương Nam.

Xuyên suốt 2 tiếng của vở diễn, có những trường đoạn nghệ sĩ Thoại Mỹ diễn mà như không diễn, bởi chị hóa thân vào vai diễn Tô Ánh Nguyệt như đó chính là số phận của chị. Sống ở thời đại phong kiến “áo không chui qua khỏi đầu”, phận làm con không dám trái lời cha mẹ, Nguyệt chia tay với người mình yêu thương, bụng mang dạ chửa, một mình trốn nhà ra đi “đói lạnh giữa chợ đời” và sinh con trong cảnh cơ hàn, khốn khó.

Cuộc gặp gỡ giữa cha Nguyệt và cha Minh đã đặt dấu chấm hết cho mối tình sâu đậm của hai người trẻ
Cuộc gặp gỡ giữa cha Nguyệt và cha Minh đã đặt dấu chấm hết cho mối tình sâu đậm của hai người trẻ

Số phận nghiệt ngã thay, lúc ba của Nguyệt tìm đến nơi ở và bắt Nguyệt giao con lại cho người yêu cũ tên Minh để trở về báo hiếu người mẹ đang ốm nặng, Nguyệt đã đau đớn: “Ba nói ba thương con, sao ba lại không cho con được thương con của con?”. Chỉ một câu nói ấy mà như từng mũi kim đam vào lòng người cha, đâm vào lòng hàng trăm khán giả đang chìm trong vở diễn, dường như trái tim mọi người quặn thắt lại vì những hủ tục phong kiến khắt khe của lễ giáo ngày xưa.

cuộc đối thoại giữa ông Hương Cả- cha Nguyệt và Nguyệt
             Cuộc đối thoại giữa ông Hương Cả- cha Nguyệt và Nguyệt

NSUT Thoại Mỹ lột tả chân thực từ vóc dáng đến lối diễn mộc mạc khiến khán giả nao lòng đồng cảm, đứng kế bên nhau mà mắt chẳng dám nhìn, nức nở nghẹn gào rưng rưng nước mắt trong lời ca như oán, như than. Khi vợ của Minh bế đứa con nhỏ và cất tiếng ru hời trong niềm vui được làm mẹ thì cũng là lúc Nguyệt hụt hẫng, không điểm tựa, không bấu víu, chao đảo mà khóc nấc: “Con ơi! Kể từ nay mẹ xa con rồi…” Dáng người tiều tụy, nỗi đau giằng xé, Nguyệt chỉ còn biết nắm chặt vạt áo mà nước mắt tuôn trào trong tình cảnh trớ trêu.

Cuộc hội ngộ giữa Nguyệt- Minh và vợ Minh
Cuộc hội ngộ giữa Nguyệt- Minh và vợ Minh

Trong vở cải lương này, hai nghệ sĩ Thoại Mỹ và Kim Tử Long trong vai Nguyệt và Minh còn thăng hoa ở nhiều trường đoạn khiến khán giả không thể nào quên. Đó là khi Minh tìm đến Nguyệt sau 18 năm đằng đẵng, trước sự ăn năn day dứt khôn nguôi của Minh muốn nối lại tình xưa bù đắp cho Nguyệt những tổn thương buồn tủi sau bao năm vò võ. Đó là khi Nguyệt thẳng thắn từ chối: “Nếu thuận theo ý anh thì lại thêm 1 người phụ nữ sẽ khổ đau…” chỉ bấy nhiêu thôi, khán giả cũng đủ hiểu tình sâu nặng của người phụ nữ ấy, hy sinh cả tuổi xuân để gìn giữ hạnh phúc của Minh được vuông tròn.

Minh tìm đến nhà Nguyệt trò chuyện
Minh tìm đến nhà Nguyệt trò chuyện

Khi Minh ra về cũng là lúc Tâm – cậu con trai đã trưởng thành xuất hiện với những lời lẽ khinh miệt Nguyệt bởi cho rằng bà đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình mà không hề hay biết Nguyệt chính là mẹ ruột mình. Qua ánh mắt, biểu cảm cùng giọng ca tha thiết, nghệ sĩ Thoại Mỹ khiến trài tim của tất cả khán giả thắt lại, xót xa cho số phận người phụ nữ ấy.

Cuộc đối thoại giữa Nguyệt và con trai - Minh
Cuộc đối thoại giữa Nguyệt và con trai – Minh

Ngày cưới của Tâm gần kề thì cũng là lúc Minh đổ bệnh, tình trạng càng nặng hơn khi ông biết con trai mình đã dùng lời lẽ miệt thị Nguyệt- người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra Tâm. Điều đó khiến lương tâm ông day dứt, hối hận bởi che giấu sự thật về mẹ ruột Tâm, một người phụ nữa cam chịu và đáng thương. Trước lúc lâm chung, Minh gọi người vợ và cậu con trai đến nói lên tất cả và thanh thản ra đi. Đỉnh cao cảm xúc đêm nay là tiếng khóc vỡ òa của Nguyệt khi nghe tiếng gọi “mẹ” đầu tiên từ đứa con mình. Một cái kết viên mãn, đầy cảm xúc cho khán giả và chính các nhân vật trong Tô Ánh Nguyệt.
Đạo diễn NSUT Kim Tử Long cho biết, khi dàn dựng, các nghệ sĩ cố gắng thể hiện đúng tính cách của các nhận vật qua bút pháp của tác giả Trần Hữu Trang, đó là cách thể hiện rõ nội tâm và chủ đề tư tưởng mà ông đã gửi gắm vào tác phẩm Tô Ánh Nguyệt. Đặc biệt gửi lời cảm ơn đến VIETART đã giúp các nghệ sĩ đứng trên khân sấu cải lương tối hôm nay. Những giọt nước mắt thương cảm cho số phận nhận vật và những tràng pháo tay, những đóa hoa tươi thắm cùng sự yêu thương vô bờ bến của rất nhiều khán giả vây quanh chính là phần thưởng vô giá dành cho các nghệ sĩ trọn đời gắn bó với sân khấu nghệ thuật truyền thống.

 

 

Hình ảnh các nghệ sĩ giao lưu với khán giả ngoài sân khấu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.