Cuộc sống phát triển kéo theo đời sống văn hóa nghệ thuật cũng trở nên đa dạng hơn. Thế nhưng, dù đã ra đời và phát triển qua hàng chục năm, nhạc cách mạng vẫn có sức sống riêng và giữ chân khán giả yêu nhạc chân chính.
Sức sống lâu bền của nhạc Cách mạng
Nhạc Cách mạng hay còn gọi là nhạc đỏ là những ca khúc hát về cách mạng và những gì liên quan tới cuộc kháng chiến đầy gian khổ của nhân dân ta. Nhạc đỏ gắn liền với một thời kỳ lịch sử của đất nước. Những giai điệu cất lên giữa các cung đường đầy bom đạn đã nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của người lính, và củng cố thêm niềm tin ở những người đang ngóng đợi nơi hậu phương.
Chính vì thế, đề tài chủ yếu của nhạc đỏ là về tình yêu quê hương, Tổ quốc. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những điều này ở các ca khúc như: Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Đường chúng ta đi (Huy Du),… Bên cạnh đó là những ca khúc cổ động tinh thần anh em chiến sĩ, thanh niên xung phong trên các mặt trận tiền tuyến: Cô gái mở đường (Xuân Giao), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp), Bài ca hy vọng (Văn Ký)… Không chỉ ngợi ca quê hương đất nước, những ca khúc nhạc đỏ còn đề cập đến tình yêu lứa đôi hòa trong tình yêu chung như: Những Ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Tình ca (Hoàng Việt)…
Hiện nay, với sự phát triển của những dòng nhạc trẻ như: Hiphop, Rock, EDM,… kết hợp cùng những động tác vũ đạo bắt mắt và truyền thông mạnh mẽ, nhạc Cách mạng dường như không được đông đảo thế hệ trẻ yêu thích như trước đây. Không ít ý kiến cho rằng nhạc đỏ chỉ còn sức sống với lớp khán giả đứng tuổi, như một cách để họ hoài niệm về quá khứ, về một thời họ đã từng được sống và chứng kiến.
Tuy nhiên, những ca khúc về cách mạng với lợi thế mang đậm tính hiện thực, tính thẩm mỹ và tính nhân văn giúp cho chúng ta có một kho tàng lớn trong âm nhạc vừa dân tộc vừa hiện đại. Để rồi, với tư duy mới và sự sáng tạo của mỗi nhạc sĩ, sẽ còn có nhiều giai điệu đẹp, với lời ca hay, quyến rũ được mọi lứa tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cho rằng: “Với thế mạnh về ca từ và ý nghĩa nội dung của bài hát mà nhạc đỏ tuy không thường xuyên xuất hiện vẫn luôn giữ được chỗ đứng trong trái tim người yêu thích. Sức sống của nó không bày ra trước mắt mọi người nhưng là mạch ngầm sâu lắng và mãnh liệt”.
Những ca sĩ đã ghi tên mình với dòng nhạc Cách mạng
Nhắc đến nhạc Cách mạng, chúng ta không thể không nhắc đến những ca sĩ gạo cội mà tên tuổi đã đi cùng lịch sử dòng nhạc này như: NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Thanh Hoa…. Với hàng chục năm hoạt động nghệ thuật, họ vẫn xuất hiện đều đặn trên những sân khấu ca nhạc lớn, trong những sự kiện quan trọng của đất nước. Hơn nữa, các nghệ sĩ còn đóng góp không ngừng cho nghệ thuật nước nhà từ việc giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho các ca sĩ trẻ.
Không chỉ dừng lại ở các thế hệ đi trước, lớp ca sĩ trẻ nổi danh nhờ dòng nhạc đỏ cũng gây được tiếng vang lớn như: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn,… Bằng tuổi trẻ của mình, họ đã và đang “tiếp lửa” vào những bản nhạc Cách mạng, những dấu ấn để đời như Ðường chúng ta đi, Tình ca, Trường ca sông Lô, Ðất nước nơi đầu sóng…, để những ca khúc nhạc đỏ sẽ mãi còn xanh, mãi ghi dấu trong lòng lớp lớp khán giả Việt Nam.
Những khán giả yêu thích dòng nhạc Cách mạng không nên bỏ qua đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ – “Hãy Đến Với Anh”. Đây là dịp để khán giả thưởng thức những ca khúc bất hủ, gắn liền với tên tuổi của giọng ca Quang Thọ. Chương trình còn có sự tham dự của nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng là những học trò ưu tú của ông: NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn, Tùng Dương, Tân Nhàn, Lan Anh, Khánh Linh.
Liveshow “50 năm NSND Quang Thọ – Hãy Đến Với Anh” do công ty VIETART tổ chức, chương trình diễn ra vào 20h Chủ nhật, ngày 11/11/2018 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô.
Chương trình hân hạnh được bảo trợ truyền thông bởi Khách sạn Movenpik Hà Nội.
Hotline đặt vé: 0966 51 5128 – 0913 82 5128