Ngày 10/01/2025, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư (Investors Conference) nhằm cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và động lực tăng trưởng năm 2025. Ông Phạm Như Ánh – Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc MB chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 300 đại diện đến từ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán trong và ngoài nước.
Giữ đà phát triển trong năm 2024, sẵn sàng tạo động lực bứt phá cho các năm sau
Chia sẻ về kết quả kinh doanh ước tính năm 2024 của MB, ông Phạm Như Ánh – Tổng giám đốc MB cho biết, đến hết năm 2024, tổng tài sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tín dụng tăng 25% (766,000 tỷ đồng), huy động vốn tăng 19% (800,000 tỷ đồng). Tổng thu nhập Ngân hàng năm 2024 đạt 47.4 ngàn tỷ đồng, tăng 21%, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 27.6 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
Lý giải về việc doanh thu tăng 21% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 12%, lãnh đạo MB cho biết điều này là do trong môi trường khó khăn, MB tích cực trích lập dự phòng nhằm tạo hàng rào bảo vệ cho tương lai. Nợ xấu riêng ngân hàng đạt 1.2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Các công ty thành viên đều đạt kết quả nhất định về thị phần và kết quả kinh doanh, đóng góp 5% vào lợi nhuận của Tập đoàn. Nổi bật là MBS đạt gần 1000 tỷ đồng về lợi nhuận.
Mục tiêu đạt 32.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2025
Về định hướng năm 2025, đại diện ngân hàng cho biết ngân hàng sẽ gia tăng quy mô thị phần, chuyển dịch bán lẻ, phát triển bền vững hiệu quả; Tăng cường chuyển đổi sổ, doanh thu kênh số đóng góp xấp xỉ 40% doanh thu. Hiệu lực tập đoàn, khai thác toàn diện hệ sinh thái, doanh thu bán chéo tăng trưởng 30%. Tăng cường quản trị rủi ro thông minh, đo lường, lượng hoá được rủi ro và triển khai ESG toàn diện.
Trong năm 2025, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 22% lên mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tín dụng, huy động vốn đều tăng trên 25%, đạt mức hơn 1 triệu tỷ. Ngân hàng đặt mục tiêu nhuận trước thuế tăng 8-10%, dự kiến đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 100%.
Trả lời quan tâm của nhà đầu tư về tăng trưởng tín dụng của nhà băng trong năm nay, ông Ánh cho biết, tối thiểu 50% room tăng trưởng tín dụng sẽ chảy vào bán lẻ, SMEs, phần còn lại mới nằm ở cho vay doanh nghiệp lớn. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ được MB tập trung đẩy mạnh tín dụng.
Chuyển đổi số: Top 1 về số lượng khách hàng và quy mô giao dịch qua Napas
Năm 2024, chuyển đổi số tiếp tục là điểm nhấn và là động lực tăng trưởng của MB. Trong vòng 5 năm (từ năm 2020 đến năm 2024), số lượng khách hàng của MB tăng trưởng 13 lần nhờ chuyển đổi số, chạm mốc 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm 30 năm sinh nhật MB (04/11/1994 – 04/11/2024). Quy mô giao dịch của MB qua Napas thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023). Số lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3.6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.
“Đặc biệt, năng lực phục vụ các giao dịch trên kênh số của MB tương đương với các ngân hàng hàng đầu châu Á với 98% số lượng các giao dịch được thực hiện trên kênh số,” ông Đàm Nhân Đức – Kinh tế trưởng MB cho hay.
Chia sẻ về mô hình Banking-as-a-Service (BAAS) trong chiến lược chuyển đổi số của MB, ông Đức cho biết, BAAS là mô hình cho phép các đối tác thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính – ngân hàng tới khách hàng trên hệ thống ứng dụng/nền tảng của đối tác đó. Tính đến hết quý 3/2024, MB có số lượng APIs phong phú nhất thị trường với hơn 1,200 APIs tự phát triển. BAAS MB có 668 đối tác tích hợp với giá trị giao dịch đạt 363 nghìn tỷ đồng, tạo ra doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược phát triển ngân hàng MBV, lãnh đạo MB cho biết, sau 3 tháng MB nhận chuyển giao bắt buộc từ ngày 17/10/2024, MB đã cử đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao và chuyển giao công nghệ giúp cho MBV nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy và đã xây dựng giải pháp cho 2025.
“Năm 2025, cùng với sự phát triển chung của thị trường, hy vọng MBV sẽ khởi sắc hơn và ghi nhận tăng trưởng tích cực,” CEO MB cho hay.
Còn đối với MBCambodia, sau khi được chuyển đổi chính thức mô hình, ngân hàng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (NPL) dưới mức 0.3% trong khi thị trường ở Campuchia vẫn được đánh giá là đang gặp nhiều khó khăn.
Là ngân hàng được đánh giá dẫn đầu trong chuyển đổi số và sáng tạo, nhưng MB vẫn luôn ý thức và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, bảo vệ và phát huy, lan truyền, quảng bá văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
Đầu năm 2025, MB tham gia một cách năng động các chương trình nghệ thuật, đặc biệt chương trình “Xuân Quê hương” 2025 – với chủ đề “Việt Nam – Vươn lên trong kỷ nguyên mới”. Đến dự chương trình có các đồng chí: Lương Cường – Chủ tịch nước; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Mai Văn Chính, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng.