Agribank Sát Cánh Với Đề Án Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao

Một số mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận các kết quả tích cực sau vụ thí điểm đầu tiên. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn tài trợ quốc tế cam kết sẽ tài trợ đáp ứng nhu cầu tài chính cho tất cả các mô hình.

Sản xuất lúa gạo sẽ phải tiến tới thực hiện tiêu chí phát thải thấp là xu hướng mới

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNTN) và các địa phương đã tổ chức sơ kết một số mô hình thí điểm thuộc Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Cần Thơ.
 
Theo đó, mô hình thí điểm 50 hecta tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận – liên kết bao tiêu với CTCP Hoàng Minh Nhật đã hoàn thành vụ đầu tiên thực hiện canh tác theo các tiêu chí của đề án. Kết quả, giảm được 10-15% chi phí đầu vào; giảm 30% lượng phân đạm, 30-40% lượng nước tưới; năng suất lúa tăng 10,5% lợi nhuận tăng từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha, đồng thời giảm được khoảng 2-12 tấn CO2/ha phát thải khí nhà kính so với các mô hình đối chứng.
 
Riêng về hoạt động tài trợ vốn tín dụng ưu đãi cho mô hình, Agribank chi nhánh Cần Thơ đã bắt đầu giải ngân một số khoản vay cho doanh nghiệp để phục vụ thu mua nguyên liệu thuộc các liên kết tham gia đề án. Theo đó, ngân hàng này và Bộ NN&PTNT đã ký kết bản ghi nhớ triển khai chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc đề án. Vì thế, trong vụ Thu – Đông tới đây chương trình tín dụng này sẽ tiếp tục được 12 chi nhánh của ngân hàng đẩy mạnh tại các địa phương: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Đồng Tháp.
 
Trong đó, Agribank sẽ phối hợp với NHNN tham gia hoàn thiện Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, các chi nhánh ngân hàng sẽ chủ động hỗ trợ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ: tiền gửi, tiền vay, dịch vụ tài chính… phù hợp với mục tiêu đề án cho các đối tượng tham gia.
 
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại địa bàn tỉnh này, trong vụ Thu – Đông 2024 và năm 2025 sẽ thí điểm 7 mô hình với gần 70.000 ha theo đề án. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp ngành lúa gạo, các công ty vật tư, phân bón như: Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng, Tư Sang, Bayer Việt Nam cũng đã cùng tham gia hình thành các chuỗi liên kết. NHNN chi nhánh Đồng Tháp đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung nguồn vốn để cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ đề án theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, khuyến khích tất cả các NHTM tham gia.
 
“Thời gian qua, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã tiến hành khảo sát, làm việc với nhiều mô hình, nhiều doanh nghiệp theo đề án này. Trong đó, có sự tham gia của chi nhánh NHNN và các ngân hàng tại địa phương. Chúng tôi cũng đã lập ra các nhóm trên mạng xã hội để bên nào có vướng mắc gì có thể phản ánh trực tiếp và cùng nhau xử lý ngay”, ông Phong cho biết.
 
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, việc tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của đề án này. Vì để xây dựng thành công các mô hình liên kết theo tiêu chí chất lượng cao, phát thải thấp, các doanh nghiệp cần rất nhiều vốn trung, dài hạn để đầu tư cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng chất lượng hạt gạo và xây dựng hạ tầng công nghệ giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
 
Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, ông Bình cho rằng Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi tài chính nhiều hơn từ ngân sách Trung ương và địa phương, nhất là các ưu đãi về thuế, phí, cơ chế hỗ trợ lãi suất bằng nguồn ngân sách cấp bù khi doanh nghiệp thực hiện đề án vay vốn từ các TCTD cũng như tiếp cận các khoản vay từ các tổ chức quốc tế tài trợ cho Đề án ở cấp Chính phủ.
 
Được biết, riêng đối với việc huy động nguồn vốn tài trợ nước ngoài cho Đề án, tuần vừa qua, Bộ NN&PTNT đã họp bàn thống nhất một số cơ chế đặc thù để huy động và sử dụng các nguồn vốn tài trợ cho đề án này. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế – Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến đến năm 2030, đề án sẽ cần huy động nguồn lực khoảng 3 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết sẵn sàng tham gia tài trợ khoảng 330 triệu USD. Ngoài khoản tài trợ vốn vay, ông Tuấn cho biết, WB cũng đã đồng ý hỗ trợ tiếp cận các tổ chức hỗ trợ tài chính cho giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao cho lúa gạo, trước mắt là nguồn vốn của Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) trị giá 40 triệu USD, kèm theo khoản viện trợ không hoàn lại 4 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ hướng dẫn quy trình, thủ tục đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án sử dụng vốn vay nước ngoài để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.
 
Theo Thời Báo Ngân hàng
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Chat Zalo Chat Zalo Chat Messenger Chat Messenger Liên hệ qua điện thoại 0906 47 0110
Liện hệ qua điện thoại
Chat Zalo
Chat Messenger