Nam nghệ sĩ gạo cội của Cải Lương Việt Nam chia sẻ cảm xúc của mình sau khi mang bộ môn nghệ thuật cải lương ra miền Bắc phục vụ khán giả.
Anh đến với Cải lương như thế nào?
– Năm 12 tuổi, tôi chơi chung với em trai của NSUT Minh Vương, hàng ngày nghe cậu ấy ca vọng cổ, và thỉnh thoảng được cậu ấy dậy ca vài câu cơ bản, thế là tôi “ngấm” hồi nào không hay. Từ đó, tôi đam mê và trốn gia đình đi học thầy Út Trong. Sau một thời gian theo học thầy, ba tôi khuyên tôi phải đi học chính quy để vững hơn, cũng lúc đó, trường Nhà hát Trần Hữu Trang mở khóa 2, và ba tôi đã đăng ký cho tôi đi dự thi. Sau khi được tuyển chọn vào trường, tôi học được 3 năm thêm 1 năm thực tập, và đi vào con đường Cải lương chuyên nghiệp tới bây giờ.
Trốn gia đình đi học Cải lương, phải chăng lúc đó gia đình không ủng hộ anh?
– Lúc đầu, ba không ủng hộ tôi vì thời điểm đó tôi còn đang đi học văn hóa và tôi cũng còn quá nhỏ. Sau khi suy nghĩ câu nỏi: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” mà ba nói, tôi mới xin phép ba để vừa học văn hóa vừa đi học Cải lương. Và khi hoàn thành xong lớp 12, tôi mới chính thức dự thi vào trường Trần Hữu Trang, lúc đó gia đình mới ủng hộ tôi đi theo con đường Cải lương chuyên nghiệp.
Sau hàng thập kỷ gắn bó và theo đuổi bộ môn Cải lương tới bây giờ, anh chiêm nghiệm được điều gì?
– Tôi nghĩ lựa chọn của mình đã không làm phụ lòng gia đình. Như câu ba tôi đã nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, thì cho đến hiện tại, tôi chỉ chọn sống chết với nghệ thuật Cải lương. Những gì tôi đã học được từ thầy cô, cũng như những gì tôi đã bỏ công sức cũng như rèn luyện ngần ấy năm, tôi cảm thấy nó không uổng phí và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn này.
Anh có thể chia sẻ những cái khó của bộ môn Cải lương?
– Theo tôi, Cải lương rất khó, nó khó về cả chuyên môn, khó về con người, đạo đức và khó về cả mặt tâm linh. Những bộ môn nghệ thuật khác như bạn làm ca sĩ, có thể bạn có giọng hát bạn sẽ trở thành ngôi sao, nhưng muốn trở thành ngôi sao Cải Lương, bạn vừa phải hát hay, có ngoại hình, vừa phải diễn tốt, vừa phải rèn luyện kỹ năng sân khấu từ văn võ, hài, bi… Nếu hội tụ được tất cả điều đó, bạn mới có thể trở thành một ngôi sao Cải lương chuyên nghiệp và thành công. Nếu thiếu đi một trong các yếu tố đó, bạn cũng chỉ là một danh ca, một diễn viên thôi. Tôi nghĩ rằng, có nhiều bạn trẻ bây giờ ca Cải lương rất hay, giọng rất ngọt nhưng lại thiếu đi một trong các yếu tố như tôi kể ra ở trên, thành ra các bạn không thể trở thành một ngôi sao sáng được.
Tôi nghĩ răng, Cải lương còn có một cái khó nữa là khá kén khán giả?
– Vào thập niên 80, Cải lương là một sân khấu hoàng kim. Thời đó, tất cả các tầng lớp từ già, trẻ, lớn bé đều đi xem Cải lương. Đến bây giờ, có nhiều khán giả lớn tuổi gặp tôi vẫn nói với tôi: “Hồi đó em còn bé xíu, mới mười mấy tuổi nhưng em đã theo ông, theo bà em đi xem cải lương rồi.”, có nghĩa Cải lương không phải là kén khán giả. Nhưng hiện nay, cái gì cũng phát triển, nếu Cải Lương được đầu tư hơn thì khán giả vẫn sẽ đón nhận. Như những chương trình tôi đã thực hiện cũng như được đầu tư đúng mức, thì ngoài những khán giả lớn tuổi, những bạn sinh viên trẻ tuổi cũng ủng hộ rất nhiều. Điển hình, có những trích đoạn Cải lương được post lên Youtube nhận được hàng triệu lượt xem của khán giả. Vì vậy, không phải là Cải lương không có khán giả, mà nếu được đầu tư phát triển nhiều hơn, sân khấu Cải lương chắc chắn sẽ vẫn thu hút khán giả.
Cải Lương từng được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ, theo anh, cần phải làm gì để bảo tồn bộ môn nghệ thuật này?
– Một mình tôi hay những nghệ sĩ khác chắc chắn không thể làm được. Muốn bảo tồn bộ môn Cải lương, phải có sự nhúng tay của lãnh đạo nhà nước. Ở miền Nam, ngoài sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang, thì không có một sân khấu Cải lương nào khác. Anh em nghệ sĩ chúng tôi rất nhiệt huyết với nghề, họ muốn đem niềm đam mê, muốn đem những sân khấu cũng như những vai diễn hay tới khán giả, nhưng không có sân khấu thì chúng tôi sao có thể làm được điều đó. Vì vậy, tôi mong rằng lãnh đạo nhà nước hãy tạo ra những sân khấu, những nhà hát mới để những nghệ sĩ từ lớn tuổi, những ngôi sao hay cả những nghệ sĩ trẻ có thể phục vụ và cống hiến khán giả nhiều hơn. Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ tuần nào sân khấu Cải lương cũng sáng đèn, thì khán giả sẽ có thói quen đi xem giống như những thập niên trước. Đó là những điều trăn trở của anh em nghệ sĩ chúng tôi hiện nay.
Ngoài những sân khấu tại phía Nam, anh đã bao giờ diễn Cải lương cho khán giả miền Bắc chưa?
– Tôi có cơ hội biểu diễn phục vụ khán giả miền Bắc rất nhiều lần rồi, từ những năm 95. Lúc đó, khán giả Hà Nội rất thích tôi và anh Tài Linh hát vọng cổ và họ cuồng nhiệt với những tiết mục của chúng tôi. Tôi nghĩ khán giả Hà Nội không phải không thích nghe Cải lương, vọng cổ đâu, điển hình như chương trình “Ngôi sao Cải lương Phương Nam” mà Công ty CP truyền thông VietArt tổ chức mà tôi làm đạo diễn đã trải qua 6 kỳ và chuẩn bị bước sang kỳ 7 vào đầu tháng 4 tới. Mặc dù không ồn ào như những chương trình nhạc trẻ khác, nhưng những khán giả Hà Nội đón nhận chương trình “Ngôi sao Cải lương Phương Nam” và những nghệ sĩ miền Nam bằng một sự trân trọng rất lớn. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy khán giả dám bỏ một số tiền không hề nhỏ để mua vé xem chương trình Cải lương, thậm chí ngay ở miền Nam cũng chưa bao giờ phát hành vé với mệnh giá như vậy. Đó là thành công và niềm hạnh phúc mà chương trình cũng như nghệ sĩ chúng tôi cảm nhận được.
Qua 6 kỳ tổ chức “Ngôi sao Cải lương Phương Nam”, anh có kỷ niệm nào khó quên với khán giả Hà Nội không?
– Mỗi chương trình là một kỷ niệm khó quên với tôi, mỗi chương trình là một ấn tượng, một niềm vui với anh em nghệ sĩ nhất là các cô chú nghệ sĩ lớn tuổi như Thanh Tòng, Lệ Thủy, Bạch Tuyết. Họ là những người đã từng nghĩ khán giả miền Bắc không thích Cải lương, và tôi đã thuyết phục họ, đưa họ ra thủ đô biểu diễn. Sau khi hoàn thành vở diễn, họ đã ngạc nhiên bởi những gì họ suy nghĩ về khán giả miền Bắc là sai. Bạn biết không, chúng tôi đã nhận những tràng pháo tay lớn, thâm chí đã gần 12h đêm rôi, khán giả vẫn nán lại nhà hát không chịu ra về và muốn được nghe nghệ sĩ biểu diễn tiếp dù chương trình đã kết thúc. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi cũng như các anh em nghệ sĩ khác.
“Ngôi sao Cải lương Phương Nam” kỳ 7 sẽ có điều gì mới, thưa anh?
– “Ngôi sao Cải lương Phương Nam” số 7 không chỉ được biểu diễn tại Hà Nội mà còn được VietArt mang tới khán giả tại Thành phố hoa phượng đỏ – Hải Phòng. Vì vậy, cái khó nhất của chương trình là ekip phải di chuyển liên tục mỗi đêm vì mỗi đêm là biểu diễn tại một thành phố. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng cũng phải được hoàn thành gấp rút trong ngày để nghệ sĩ chúng tôi có thể phục vụ khán giả một cách hoàn hảo nhất. Nhưng tôi cùng các thành viên trong ekip VietArt sẽ quyết tâm làm được điều đó để khản giả ở Hà Nội và Hải Phòng sẽ đón chào chương trình “Ngôi sao Cải lương Phương Nam”, các anh em diễn viên chắc chắn cũng sẽ biểu diễn hết mình bằng tấm lòng của người nghệ sĩ Phương Nam với những vở diễn đặc sắc nhất.
Cám ơn anh và chúc anh sức khỏe !