NGHỆ SĨ KIM TỬ LONG: MỘT ĐỜI MIỆT MÀI VÌ NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG NƯỚC NHÀ

1. Tóm tắt:

Kim Tử Long là ca sĩ, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời cũng đóng góp nhiều vào tân nhạc. Ngoài vai trò là nghệ sĩ cải lương, anh còn được biết đến như một đạo diễn với những vở kịch tự dàn dựng trên sân khấu.

Kim Tử Long là học trò xuất sắc của NSND Phùng Há.

2. Thân thế và gia đình

Anh tên thật là Hoàng Kim Long, sinh ngày 17/10/1966, sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh. Gia đình anh không ai theo nghề cải lương. Năm 14 tuổi, do ở gần nhà nghệ sĩ Minh Vương, Kim Tử Long nghe hát riết rồi bị nhiễm và mê lúc nào không hay. Thế là anh bắt đầu làm quen với các điệu “xàng xê lưu cống”. Được sự giúp đỡ của anh Vương Quang, em trai Minh Vương, Kim Tử Long tiếp tục học thêm nhiều bài vọng cổ và một số trích     đoạn cải lương.

Về gia đình riêng của anh, hiện anh có mái ấm bên nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh. Trinh Trinh là cháu ruột của NSND Thanh Tòng và là chị họ của NSƯT Quế Trân.

blank

3. Sự nghiệp và thành tựu

  • Thuở ban đầu, Kim Tử Long đến với nghề từ tết năm 1986. Lúc ấy anh vừa ra trường thì nhận được tin Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thành lập thêm đoàn 3 và dựng vở mới: Y Ban và nàng tiên, Nàng tiên Mẫu Đơn, Người đẹp bến Tiền Châu. Anh may mắn được tham gia cả ba vở diễn này. Mùa xuân năm đó, anh cũng chính thức được NSND Phùng Há đặt tên là Kim Tử Long, bà nói với anh “con phải là một con rồng vàng trên sân khấu cải lương”. Ban đầu, anh dự định lấy nghệ danh Hoàng Kim Long cũng là tên khai sinh của mình nhưng bà đã đổi lại và anh giữ cho nghệ danh cho đến hôm nay.
  • Các vai diễn thành công của Kim Tử Long gồm có: Y Mây (Y Ban và nàng tiên), Phan Lương (Người đẹp bến Tiền Châu), Gia Đồng (Nàng tiên Mẫu Đơn), Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Mỹ đen (Sống trong tình thương), Dự Nhượng (Dự Nhượng đả long bào), Đổng Thừa (Mã Siêu báo phụ thù)…
  • Anh từng làm diễn viên cho các đoàn hát như đoàn cải lương Trần Hữu Trang, đoàn Huỳnh Long, đoàn Minh Tơ, Sông Bé.
  • Giải thưởng: Trên đường ca hát chuyên nghiệp, Kim Tử Long đã gặt hái được nhiều thành công như huy chương vàng giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1992; giải Đôi diễn viên được yêu thích nhất năm 1994 (cùng với nghệ sĩ Ngọc Huyền), huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995, Gương mặt nghệ sĩ tài hoa năm 2000; giải Mai Vàng 2003 và 2005.
  • Kim Tử Long còn được biết đến như một đạo diễn có tài qua các vở Trạng mèo cưới vợ, Turip và cây đèn thần, Em ơi đừng khóc nữa, Vợ là tất cả…, liveshow Thiên đường tôi yêu

blank

 

4. Tâm sự của nghệ sĩ:

  • Kim Tử Long chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình hài lòng với những gì đã đạt được trong nghề. Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua, ngẫm lại suốt hành trình đã đi, tôi không hối tiếc điều gì.

    Thành quả đạt được thì tôi nhớ nhất là chuyến đưa nghệ sĩ trong phía Nam ra Hà Nội diễn tại Nhà hát lớn TP Hà Nội (Ngôi Sao phương Nam). Lúc đó, tiếng pháo tay vang dội của khán giả dành cho NSND Lệ Thủy, Bạch Tuyết, NSƯT Trọng Hữu, Thoại Mỹ, NS Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh… đã làm trái tim tôi phấn khởi. Tôi luôn nâng niu những vai diễn hay vì đó cũng là cách để mình cố gắng, nỗ lực trong nghề.”

    Phỏng vấn Kim Tử Long (Nguồn: Thanh Hiệp, Báo Người Lao Động)

    • Một thời Kim Tử Long được biết đến với vai trò ca sĩ, nhiều người thắc mắc vì sao anh lại dừng hẳn sau 10 năm cố gắng?

    Nhờ giải HCV Trần Hữu Trang năm 1992 mà chúng tôi có thêm nghề ca sĩ. Lúc đó các bầu sô, các nhà tổ chức đã mời chúng tôi biểu diễn liên tục. Các rạp Thủ Đô, Nhân Dân, Cây Gõ, công viên Phú Lâm, tụ điểm 126, Trống Đồng… nơi đâu cũng tổ chức biểu diễn ca nhạc. Tôi, anh Vũ Linh, NS Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền… đều làm ca sĩ. Chúng tôi cũng ra album, thu video clip… rất nhiều những dự án cho lối rẽ này. Nhưng sau đó, tôi cũng như các đồng nghiệp dừng lại, tập trung toàn lực vào sân khấu cải lương. Chúng tôi chọn theo nghiệp sân khấu thì phải dừng lại những cái khác để đi hết con đường đã chọn.
    * Sau vở Tiếng trống Mê Linh, anh dự định thực hiện vở diễn nào mới?
    – Tôi diễn vai Thi Sách bên cạnh NSƯT Phượng Hằng vai Trưng Trắc, sau đó làm đạo diễn vở Trọn đời yêu anh (tác giả Tô Thiên Kiều) quay hình tại HTV ngày 14 và 15-8. Cuối tháng này, tôi lại dẫn đoàn nghệ sĩ ra Hà Nội diễn chương trình Ngôi sao phương nam tại Nhà hát TP Hà Nội. Lần trước sự cổ vũ nồng nhiệt của công chúng Thủ đô đã động viên chúng tôi rất nhiều.
    Trăn trở thế hệ tiếp nối
     * Thực trạng sân khấu hiện nay có làm anh lo lắng cho con đường mình đã chọn?
    – Tôi vẫn tràn đầy hy vọng vào sân khấu dù biết nhiều điều mình mong muốn không dễ thành hiện thực. Tôi thấy sân khấu cải lương đã cố gắng đi theo trào lưu mới, không chỉ diễn ở sàn diễn mà đã đến với mọi nhà qua truyền hình, băng dĩa. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng có thể thấy hoạt động sân khấu cải lương đang dần khép lại do nhiều nguyên nhân: thiếu rạp, chưa có nhiều kịch bản hay, hoạt động tổ chức chưa chuyên nghiệp và trên hết một số nghệ sĩ ngôi sao vẫn chưa đặt hết tâm huyết vào nghệ thuật.

    * Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết DV cải lương (CL) phải bươn chải mưu sinh bằng việc hát quán, hát đám cưới, sinh nhật… một “con rồng vàng cải lương” như anh có tủi thân?

    – Đúng là đã nhiều năm qua, tuy SK CL gần như bị xóa trắng đất diễn, nhưng tôi chưa khi nào rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tôi thường xuyên hát ở hội nghị khách hàng, ở các sự kiện, đám cưới, đặc biệt là các chương trình dành cho bà con nông dân miền Tây như Hội thi cây lúa, Hội thi bông lúa vàng… Ở các tiệc mừng thọ, các ông, các bà lớn tuổi rất thích nghe ca CL. SK CL không còn, người lớn tuổi cũng ngại đi ra rạp nên chỉ có cách đó họ mới được trực tiếp nghe CL. Còn nghệ sĩ cũng bằng cách đó mà đến được với khán giả.

    Tôi quan niệm hát ở đâu cũng là hát, quan trọng là người nghe có trân trọng, có đón nhận tiếng hát của mình hay không. Tôi đến hát đám cưới và đã không ít lần xúc động trước sự trân trọng họ dành cho mình. Và tôi lúc nào cũng hát thật nghiêm túc để đáp lại sự chờ đợi của họ. Vào những mùa chầu hằng năm, tôi vẫn đi hát tuồng cổ ở khắp các tỉnh Nam bộ, các tỉnh miền Đông. Có dịp hát như vậy, được mặc “xiêm y áo mão”, cũng là cách để mình đỡ nhớ SK.

    * Ở góc độ người đi trước, anh nhìn thấy gì ở lớp DV đàn em hiện nay? Anh có bi quan trước một SK CL ngày mai?

    – Thế hệ của tôi may mắn được học nghề tử tế, được dìu dắt tận tình bởi các bậc thầy tài đức trong nghề, được “thực tập” trên các SK bên các bậc tiền bối tài danh thời SK còn hưng thịnh. Thế hệ DV ngày nay không may mắn như vậy. Nghề này không thể đào tạo như công nhân được. Mười công nhân giỏi có thể có tay nghề giống nhau nhưng mười nghệ sĩ giỏi sẽ phải là mười cách hát, cách diễn khác nhau. Những nhân tố tốt hiện nay không thiếu, nhưng không thể đơm hoa kết trái vì SK lụi tàn. Đó là sự thiệt thòi của các bạn.

    Nhìn về tương lai, nghệ thuật CL chắc chắn không chết, vì người muốn nghe CL còn nhiều lắm, nhưng SK CL muốn tồn tại phải có nhà hát, phải đầu tư tiền của, phải duy trì đội ngũ sáng tác, biểu diễn… Những chương trình tự phát hay những SK tư nhân đều khó làm ra những tác phẩm quy mô, để đời. Nếu Nhà nước đứng ra tài trợ, quy tụ những tinh hoa CL về một mối thì mới có tác phẩm thăng hoa…

    * Nhưng đâu phải đào tạo là sẽ có danh ca?

    – Đúng, thành công phần lớn nằm ở sự rèn luyện, khổ công và sáng tạo. Với nghệ sĩ trẻ sở hữu giọng hát hay là lợi thế nhưng để giỏi nghề đòi hỏi quá trình rèn luyện và ý chí phấn đấu. Trước đây, chỉ với hai bài vọng cổ nhịp 16 Tôn Tẩn giả điên và sau này là Tình anh bán chiếu, được thu dĩa thập niên 50-60 của thế kỷ trước, NSND Út Trà Ôn đã được báo giới Sài Gòn và các nghệ sĩ bậc thầy trong giới nhận xét là mang lại hơi hướng mới, đầy sáng tạo trong cách sắp câu, lấy hơi để “sở hữu” ngai vàng vua vọng cổ thời đó.

    Nhìn lại một thế hệ vàng mà sân khấu cải lương một thời nâng niu, xem là khuôn mẫu trong cách thể hiện chất giọng sẽ nhận thấy họ không cố tạo sự luyến láy trong câu vọng cổ mà hầu hết đều ca chân phương, rõ chữ, đầy hơi. Cái chuẩn của cách ca vọng cổ chính là yếu tố mộc mạc, giàu cảm xúc. Người nghệ sĩ biết tìm ra nét riêng trong cách thể hiện sẽ tạo cho mình ưu thế và được công chúng chấp nhận.

    * Gần đây, nhiều chương trình trên truyền hình nhằm tìm kiếm, phát hiện tài năng mới cho sân khấu cải lương. Theo anh, cần điều kiện nào để các cuộc thi này đạt mục tiêu đề ra?
    – Ngay từ khi khởi đầu xây dựng thương hiệu Chuông vàng vọng cổ, Đài Truyền hình TPHCM đã bộc lộ sự lúng túng khi gọi tên chương trình này là Ngôi sao vọng cổ truyền hình. Thương hiệu rất “kêu” này sang năm thứ hai đã được điều chỉnh là Chuông vàng vọng cổ, xác định đúng mục tiêu: góp phần trả cải lương về với sự chuẩn mực cần có mà bài vọng cổ chính là linh hồn. Nếu các nhà chuyên môn đã khẳng định “phi vọng cổ bất thành cải lương” thì cần trả bài vọng cổ về đúng với chuẩn mực của nó. Đó là sự quy định chặt hơn cách ca, cách thể hiện với dàn nhạc. Mọi việc làm nghiêm túc, chúng ta sẽ có những mầm non nổi trội để uốn nắn thành danh ca.

    * Trong suốt sự nghiệp diễn xuất của anh, kỷ niệm nào khó quên nhất?
    -Nghệ sĩ chúng tôi thường đi lưu diễn ở nước ngoài, nhiều kỷ niệm không thể quên được. Đó là năm tôi nhìn thấy tuyết rơi ở Úc, nhiệt độ xuống rất thấp, lạnh đến cóng cả người nhưng tình thương khán giả thì ấm áp vô cùng. Ở Pháp cũng vậy, khán giả kiều bào yêu thích cải lương cũng đến với chúng tôi dù khí hậu rất lạnh. Nhiều bạn trẻ ở đây hào hứng tham gia cuộc thi mang tên Dạ cổ hoài lang do cộng đồng người Việt tổ chức. Tôi nhớ NS Kiều Lệ Mai tham gia ban giám khảo, chị và nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ khác đã giữ được ngọn lửa yêu nghề, yêu sân khấu truyền thống dân tộc dù sống ở xứ người.

    Còn những dịp biểu diễn trong nước thì kỷ niệm cũng vô số. Nghề hát của chúng tôi sau xuân rồi tới hạ, lênh đênh đời gạo chợ nước sông, nếu không ở miền tây thì ra tận miền trung. NSND Lệ Thủy thường ví von mỗi khi ai đó hỏi: “Cô ơi, cô đang ở đâu?” bằng câu trả lời duyên dáng: “Cô tham gia gặt lúa với bà con miền tây”, hoặc “cô đi biển với ngư phủ miền trung”…

    * Đời người không chỉ có thành công mà đôi lúc gặp phải sóng gió cuộc đời. Anh đối mặt với sóng gió đó thế nào?

    – Tôi thấm thía câu nói của NSND Phùng Há. Bà ghét diễn viên nào vào lớp học mà ra dáng công tử, tiểu thư, quần là, áo lụa. Bà nói: “hãy học cách lăn lộn với cuộc đời trước khi là một ngôi sao”. Sự lăn lộn theo bà không phải là làm hư hỏng bản thân với tứ đổ tường mà phải trải nghiệm nỗi đau của tha nhân.

     * Có dạo thấy anh xuất hiện trong vở Con nhà nghèo ở SK Phú Nhuận, tưởng đâu anh bỏ CL chuyển sang kịch?

    – Bà bầu Hồng Vân muốn tôi về tham gia cho vui là chính. Tôi hứa nhiều lần, cuối cùng nhận lời đóng Con nhà nghèo. Nhưng cũng nhờ qua “chơi” bên kịch mới thấy thương cho nghệ sĩ CL, vì lao động ở nghệ thuật CL nặng nhọc lắm. Tôi diễn vở Con nhà nghèo được 20 suất. Chị Hồng Vân có mời nữa, nhưng tôi không sắp xếp được thời gian, vả lại, tôi cũng muốn dồn sức làm những việc khác cho CL, như dàn dựng chẳng hạn.

blank

        Kim Tử Long tham gia chương trình từ thiện “Bếp yêu thương”

Đặc biệt: Sắp tới, vào ngày 30/3/2017, NS Kim Tử Long sẽ dẫn đầu đoàn cải lương phương Nam gồm những nghệ sĩ được khán giả yêu thích như: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, Thanh Kim Huệ, Thanh Ngân, Phượng Hằng, Tú Sương, Trường Sơn, Nghệ sĩ Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Chí Bảo, Võ Minh Lâm, Diễn Trung, Diễn Khanh cùng những tuồng cải lương nức lòng khán giả!
Quý khán giả quan tâm có thể liên hệ để đặt vé:
Công ty CP Truyền Thông VietArt
Tầng 23, Tòa nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 0966.51.51.28 – 0902.935.128 – 0913.825.128

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Chat Zalo Chat Zalo Chat Messenger Chat Messenger Liên hệ qua điện thoại 0906 47 0110
Liện hệ qua điện thoại
Chat Zalo
Chat Messenger